Thai giáo là gì? Vì sao ba mẹ nên thực hành thai giáo?
Có người cho rằng thai giáo là cái gì đó rất thần thánh, phải nghiên cứu rất nhiều mới làm được. Có người lại nghĩ “Cái thai thì biết gì đâu mà thai với chả giáo, mất thời gian” hoặc “Đứa trẻ nào nó giỏi thì nó không cần thai giáo vẫn giỏi”… Mình nghĩ rằng, mỗi người một quan điểm và tất cả đều do chúng ta lựa chọn. Bản chất của thai giáo không phải là tạo ra những “thần đồng” mà chính là giúp mẹ hiểu về sự phát triển của con để tác động đúng thời điểm, giúp con trở thành phiên bản tốt nhất của chính con. Cái đích đến của thai giáo là giúp mẹ và con có một hành trình hạnh phúc và tạo ra những sự kết nối giữa mẹ và con, giữa những thành viên trong gia đình với nhau. Và mình hiểu rằng những người đang dành thời gian đọc bài viết này, lắng nghe kênh podcast Thực hành thai giáo đều là những cha mẹ thông thái, sẵn sàng dành thời gian và công sức để mẹ hạnh phúc và con có thể phát triển tốt nhất.
“Thai” là thai nhi và “giáo” là dạy dỗ, là giáo dục. Đây là một phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ, từ khi con còn là một bào thai.Thai giáo cũng được hiểu là quá trình giáo dục với các biện pháp tổng hợp được bắt đầu từ khi chuẩn bị mang thai, tiến hành giáo dục thai nhi một cách chủ động. Tác giả Đào Duy Anh trong từ điển Hán Việt đã giải thích “Thai giáo là sự giáo dục con cái từ khi có mang. Khi có mang, phàm tư tưởng, ngôn ngữ, hành động của người mẹ đều có ảnh hưởng đến tính cách của đứa con, nên người mẹ phải giữ gìn cẩn thận”. Có thể hiểu một cách đơn giản: Thai giáo là việc bố mẹ thực hiện các hoạt động để giúp thai nhi phát triển tốt nhất ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nhiều nước trên thế giới sử dụng thuật ngữ Prenatal Parenting – Làm cha mẹ trước khi sinh, nhấn mạnh vào vai trò của cha mẹ. Ở đây, cha mẹ là nhân vật chính. Cha mẹ cũng cần học tập để biết cách làm cha mẹ, hiểu về từng giai đoạn phát triển của thai nhi để tác động đúng thời điểm.
Trong thai giáo có 2 khía cạnh. Một là thai giáo trực tiếp gồm các biện pháp tác động đến thai nhi bằng các bài tập 5 giác quan của mẹ và bé để giúp thai nhi tiếp nhận được giáo dục tích cực. Hai là thai giáo gián tiếp thông qua chăm sóc cơ thể người mẹ để thai nhi tiếp nhận, hay còn gọi là nuôi dưỡng (cung cấp dinh dưỡng) trong thai kỳ.
Thai giáo đúng cách sẽ mang lại lợi ích cho cả bé và bố mẹ, rộng hơn, thai giáo mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Nhà giáo Nguyễn Việt Hùng đúc kết lợi ích của thai giáo thành một bài thơ nhỏ:
Tốt đẹp cho con
Gắn bó gia đình
Tu dưỡng được mình
Lợi nhà, ích nước.
Nói về lợi ích đối với thai nhi thì thai giáo giúp cho bé:
- Phát triển toàn bộ giác quan, phát triển EQ, IQ vượt trội
- Phát triển thể chất khỏe mạnh, cứng cáp hơn, đề kháng tốt hơn sau khi chào đời.
- Phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ, các năng khiếu nghệ thuật.
Lợi ích mang lại cho bố mẹ khi cùng thực hành thai giáo đó là:
- Cả gia đình sẽ gắn kết với nhau hơn, mang lại không khí vui vẻ ấm áp.
- Mẹ sẽ có tâm trạng thoải mái về tinh thần, giảm bớt các triệu chứng nghén, đau đầu, chóng mặt…và sau này sẽ dễ sinh nở hơn.
- Bố mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức trong việc giáo dục con, tự tin hơn khi chăm sóc, dạy dỗ con cái
- Đây là khoảng thời gian bố sẽ thấu hiểu, dành thời gian nhiều hơn cho mẹ và bé. Bố thai giáo cùng mẹ sẽ khiến mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn, thai nhi sẽ cảm nhận được giọng nói của bố và sẽ gắn kết cả bố và mẹ sau khi chào đời.
Lợi ích lớn nhất khi thai giáo cho con đó là cả mẹ và con đều sẽ khỏe hơn cả về thể chất lẫn tinh thần: Đặc biệt là tinh thần của mẹ luôn tích cực vì lúc nào cũng nghĩ cho con, việc mẹ liên tục trò chuyện, lắng nghe phản ứng của con thực hiện đều đặn thì các mẹ sẽ không bị rơi vào trạng thái buồn chán hoặc trầm cảm trong và sau khi sinh. Niềm hạnh phúc, sự yêu thương trìu mến của người mẹ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến thai nhi. Đứa con trong bụng cũng sẽ hòa nhịp và cùng hưởng thụ niềm vui với mẹ. Đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời để mầm sống lớn nhanh và phát triển ngày càng cứng cáp, vững chãi hơn. Nếu thực hiện thai giáo đúng cách, không cần mất nhiều thời gian cũng đủ để con cảm thụ tốt và thấm dần vào trong tiềm thức.
Vậy thì tại sao chúng ta lại không thực hành thai giáo luôn và ngày cùng mẹ Puka nhỉ? 🙂