Học sinh tiểu học và nghề dạy học ở Tiểu học
HỌC SINH TIỂU HỌC VÀ NGHỀ DẠY HỌC Ở BẬC TIỂU HỌC
Chào mừng ngày 1 – 6 bằng một cuốn sách giá trị về Giáo dục Tiểu học của người thầy đáng kính: Thầy Nguyễn Kế Hào.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1992 nhưng giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Mình đã ước mỗi giáo viên Tiểu học đều có trong tay cuốn sách này! Mình cũng ước các nhà quản lý của trường Tiểu học sẽ đọc thật kĩ cuốn sách này. Bởi trước khi dạy trẻ, chúng ta cần hiểu trẻ trước đã. Nếu không hiểu trẻ đang phát triển thế nào về thể chất, về tâm lý; chúng ta có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình dạy học. Trên thực tế, có một bộ phận giáo viên tiểu học đang đứng bục giảng nhưng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tâm lý lứa tuổi, chưa thực sự hiểu về học sinh của mình.
Vì sao các em lại mất tập trung như vậy?
Đặc điểm trí nhớ, tư duy, tưởng tượng của học sinh tiểu học có gì đáng lưu ý?
Vì sao lại cần dùng đến thao tác bằng tay trước khi đến thao tác trí óc?
Chuẩn bị cho các em vào lớp Một thì cần lưu ý điều gì?
Thế nào là một giáo viên có “nghề”?
Và rất rất nhiều câu hỏi sẽ được Thầy giải đáp trong cuốn sách này. “Học sinh tiểu học và nghề dạy học ở bậc Tiểu học” mô tả chi tiết và cặn kẽ làm thế nào để giáo viên thiết lập mục tiêu giảng dạy, thiết kế hoạt động cho một tiết học, đảm bảo mục tiêu lấy học trò làm trung tâm trên cơ sở tâm lý học về trẻ em tiểu học”. Nói như chị Ngô Phương Thảo – nhà sáng lập An Books chia sẻ trong Lời tựa của cuốn sách: “Bạn đọc có thể cảm nhận cuốn sách như một lá thư của “ông thầy già” gửi đến các thế hệ giáo viên tiểu học để tiếp nối với sự nghiêm cẩn, tình thương và sự trao gửi ân cần.”
Và phải thực sự đi dạy, trải nghiệm công việc của một giáo viên, kết hợp với việc học tập, nghiên cứu về tâm lý trẻ em, mình mới thấm thía tất cả những điều thầy viết. Nếu không có những kiến thức về tâm lý lứa tuổi, phương pháp dạy học phù hợp,.. giáo viên sẽ thường có những phản ứng không phù hợp với học sinh, hiệu quả dạy học không cao.
Nhưng những vấn đề bất cập vẫn tồn tại . Giáo viên tiểu học cũng có trăm ngàn nỗi khổ tâm riêng. Bậc học càng nhỏ thì lại càng quan trọng, giáo viên càng vất vả. Ngoài việc dạy học, thầy cô còn phải xử lý biết bao việc không tên tại trường, chịu biết bao áp lực từ phía phụ huynh, Ban Lãnh đạo, áp lực thành tích vẫn chưa thực sự thoát ra… Nhiều thầy cô ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn còn phải làm thêm rất nhiều việc ngoài giờ để có thể trang trải cuộc sống…
Giáo dục thế hệ trẻ đang phát triển, đặc biệt là giáo dục Tiểu học đang được xã hội quan tâm hơn. “Hy vọng rằng, sẽ đến lúc nghề dạy học là một nghề bình về mọi phương diện với các nghề khác trong xã hội hiện đại. Và lúc đó, nhà trường sẽ lành mạnh, con em chúng ta được phát triển theo khả năng có thể có của chúng; để rồi dân tộc sẽ tốt đẹp hơn, phát triển mạnh mẽ hơn”.
Xin kết lại bài này bằng một chia sẻ của một giáo viên trẻ ở phần cuối của cuốn sách: “Em tin rằng, nghề dạy học ở nước ta rồi đây sẽ là một nghề đúng nghĩa của nó và sẽ tìm lại được vị trí của nó trong xã hội, bởi nó đã ngủ quá lâu rồi. Em thấy hình như nó đang trở mình và chắc chắn nó sẽ thức dậy”.
*** Thông tin về thầy Nguyễn Kế Hào
Ông là người có công trong việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học từng từ chức để bảo vệ quan điểm giáo dục của mình. Trong những năm tháng cuối đời, ông đã rong ruổi khắp các tỉnh, thành, đến tận những lớp học vùng sâu vùng xa để tập huấn giáo viên dạy học tiếng Việt theo mô hình Công nghệ giáo dục… Ông là người bạn tri kỉ, là người cộng sự đắc lực của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại. Ông là một nhà tâm lý, nhà giáo dục đáng kính!
Nhớ Thầy!!!