Giáo dục thai nhi dưới góc nhìn tâm lý học

Cuốn sách này được viết cách đây 12 năm! Mình may mắn mượn được một cuốn từ một người chú nhiều năm làm việc với mảng sách tâm lý. Tác giả là GS.TS Huỳnh Văn Sơn – chuyên gia tâm lý, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Đây là một trong số những cuốn sách hiếm hoi viết về chủ đề giáo dục thai nhi dưới góc nhìn tâm lý học. Nghe tên sách thì ba mẹ có thể cảm thấy hơi khó tiếp cận nhưng khi đọc thì mình thấy rất gần gũi, dễ hiểu. Điều mà tác giả muốn nhấn mạnh đó chính là vấn đề TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LỚN đối với thế hệ tương lai.

Thông điệp của cuốn sách đó chính là: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Nhưng chúng ta có trách nhiệm với tương lai! Hãy đầu tư cho thế hệ tương lai bằng chính việc làm thiết thực ngay trong hiện tại!”. Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Việc nuôi dạy con cái không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân người cha hay người mẹ mà còn của cả gia đình, cả xã hội.

Phần lớn mọi người đều hiểu “thai giáo” theo nghĩa là giáo dục thai nhi, dạy con từ trong bụng mẹ. Nhưng mình nghĩ điều đó chưa đủ. Đó chỉ là một phần trong hành trình làm cha mẹ trước khi con chào đời. Trên thế giới, họ dùng thuật ngữ Prenatal Parenting – Làm cha mẹ trước khi sinh. Và mình nghĩ từ này mới nói đúng và đủ bản chất của thai giáo. Nhân vật cần tập trung ở đây là cha mẹ. Cha mẹ cũng cần học các kiến thức, kĩ năng để có thể trở thành cha mẹ. Cha mẹ cần hiểu quá trình phát triển của thai nhi để tác động đúng lúc, đúng thời điểm. Và điều này cần thực hiện ngay từ khi có ý định mang thai chứ không phải bắt đầu từ lúc mẹ phát hiện mình có thai.

Mình thích cách tác giả đưa ra cơ sở khoa học của việc giáo dục thai nhi và các biện pháp cụ thể của người cha, người mẹ với những hướng dẫn chi tiết. Đảm bảo tính hệ thống nhưng mang tính ứng dụng cụ thể là điểm đặc biệt mà quyển tài liệu này đã thực hiện được. Cuốn sách thực sự cần thiết và có ích cho những ai sắp làm mẹ, làm cha; lên bà, lên ông… và cho mỗi người với tư cách là thành viên của cộng đồng người, thành viên có trách nhiệm với thế hệ mai sau.

Mình rất đồng tình với tác giả khi nhấn mạnh vào vai trò của người cha trong việc đồng hành cùng mẹ. Khi người cha trò chuyện, tương tác với thai nhi sẽ không chỉ giúp tăng sự gắn kết mối quan hệ giữa cha và con mà còn làm tăng thêm hạnh phúc trong tình yêu vợ chồng. Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình như: ông, bà, anh, chị,… cũng có vai trò nhất định và cần phối hợp hài hòa để giúp mẹ có tâm trạng ổn định cũng như tạo sự kết nối với thai nhi.

Điểm trừ của cuốn sách này là chất lượng in chưa ổn, đôi chỗ diễn đạt hơi dài dòng và hình minh họa chưa hấp dẫn. Nhưng về cơ bản là một cuốn sách đáng đọc, có thể chắt lọc những thông tin đáng giá trong việc thực hành làm cha mẹ trước khi con chào đời.

Mình tìm trên mấy trang thì hình như không còn. Nếu ai tìm thấy ở đâu thì báo mình nha.

#giaoducsom #thuchanhthaigiao #reviewsach

ach