Giáo dục nhi đồng

Mình đã mắt chữ A, miệng chữ O khi đọc cuốn sách này. Vừa đọc vừa Ồ..À liên tục. Mình không thể tin được là cuốn sách được viết cách đây hàng thế kỉ mà sao tư tưởng tiến bộ quá trời. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1942, rất lâu so với thời đại của chúng ta, nhưng đã đề cập tới các phương pháp giáo dục hiện đại từ phương Tây như Montessori, Froebel. Và khi tìm hiểu tiểu sử của bà thì mới biết bà “đỉnh” như thế nào.

Có thể nói, Đạm Phương Nữ Sử đã đúc kết những tinh hoa của thế giới và chính kinh nghiệm nuôi dạy con cái của mình (11 đứa con) để viết nên một cuốn sách rất Việt Nam, phù hợp với trẻ em Việt.

Hoa Đường Phạm Quỳnh – người viết lời giới thiệu sách đã ghi rõ: “Nữ sĩ nhờ tôi viết mấy lời trên đầu sách. Tôi vui lòng giới thiệu sách này cùng độc giả, vì là một tác phẩm có giá trị, do một người tiêu biểu rất xứng đáng của nữ giới nước ta, trong ba mươi năm nay vẫn nhiệt thành tận tụy với xã hội, đã dày công nghiên cứu mà soạn ra, để cống hiến các chị em nước nhà. Lời văn sáng sủa, nghĩa lí thiết thực, dẫn chứng những việc hiển nhiên, tỉ dụ những điều dễ hiểu, người đọc có thể tự thí nghiệm mà thực hành ngay trong đám con em quanh mình vậy.”

Đúng là một người phụ nữ tài năng mới có thể nhìn xa trông rộng, đi trước thời đại đến như vậy. Mình cảm thấy rất thích thú, đồng cảm khi bà thể hiện rõ mình là một người mẹ yêu thích đọc sách, ham học hỏi và mong muốn gieo tình yêu đó đến cho bọn trẻ. Mọi thứ trong gia đình, cách nuôi dạy con của bà rất quy củ, phép tắc, có nhu có cương đúng chuẩn “kỉ luật tích cực” như chúng ta vẫn hay thường nói với nhau trong thời đại ngày nay. Những người con của bà sau này đều trở thành những nhân vật ưu tú, có đóng góp lớn cho xã hội. Nhưng không phải ai nói mà cũng làm được như bà. Đó là cả một quá trình nỗ lực một cách nghiêm túc.

Và mình cũng rất tâm đắc với những vấn đề bà đưa ra trong cách làm cha mẹ, nuôi dạy con: Vì sao không nên đánh trẻ? Dùng lời nói để dạy trẻ như thế nào? Cách ứng xử với tôi tớ trong nhà ra sao để những đứa con không có sự phân biệt, cách yêu thương công bằng với con trai và con gái, cách làm các đồ chơi tương tác học hỏi từ nước ngoài… Tất cả đều được trình bày tường minh, lí lẽ thuyết phục, thấu tình đạt lý.

Mình thích cái cách NXB Kim Đồng tái bản nhưng vẫn giữ đúng tinh thần của một cuốn sách cổ, sách quý từ lời văn cho đến hình minh họa. Sẽ có đôi chỗ ba mẹ gặp một số từ hơi “lạ lạ”, sẽ có đôi chỗ khựng lại để đọc lại một dòng nào đó nhưng cơ bản là mình vẫn thấy dễ hiểu, lời văn giản dị, dễ đi vào lòng người, hợp với văn hóa Việt Nam. Đọc lên đúng kiểu lời của ông bà, cha mẹ mình hay nói ngày xưa.

#giaoducnhidong #reviewsach #thuchanhthaigiao